Dây chuyền SX dược phẩm

 

Theo ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Việt Nam, hiện có hơn 130 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO) và đang được đầu tư mở rộng.

 

Đơn cử như Imexpharm xây xong nhà máy thuốc tiêm Penicillin; Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội đã đầu tư dây chuyền công nghệ BFS trị giá 3 triệu USD sản xuất nước cất ống nhựa, dầu parafin ống nhựa... Với việc đầu tư của các doanh nghiệp (DN), đến năm 2020, thuốc nội có khả năng sản xuất được 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ. Tuy nhiên, bên cạnh mở rộng sản xuất thì các DN nội phải bảo đảm chất lượng.

Để người dân chuyển sang dùng thuốc nội, các DN dược Việt Nam cũng cần chứng minh chất lượng tốt. Căn cứ vào đó, nhà nước sẽ có những hỗ trợ về chính sách, thanh toán bảo hiểm. Đơn cử như trường hợp của CPC1 Hà Nội, các sản phẩm nước cất ống nhựa, dầu Parafin ống nhựa công nghệ BFS thân thiện môi trường, tiện dụng trong điều trị…. đang được các bệnh viện sử dụng.

Bên cạnh đó, các DN dược Việt Nam có chính sách marketing, quảng bá sản phẩm dược mới. “Khi tham gia vào thị trường, các doanh nghiệp cũng phải tuân theo các quy luật của thị trường. Sản phẩm của DN có giá thành hợp lý, chất lượng tốt và sử dụng thuận lợi thì sẽ được người tiêu dùng lựa chọn”, ông Nguyễn Đăng Lâm cho biết.